HOTLINE

0847.981.981

Cây Xích Thược

Cây Xích Thược hay còn gọi là Thược Dược có vị chua đắng, tính hơi hàn. Vào kinh Can, Tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tán ứ, chỉ thống. Chữa các chứng huyết nhiệt phát ban, huyết trệ kinh bế, thống kinh, thổ nục huyết, chấn thương tụ máu, ung nhọt sưng đau. Hằng ngày dùng 6 – 20g. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh từ xích thược.

Tên thường dùng: Thược dược, Xuyên xích thược, xích thược.

Tên thuốc: Radix paeoniae Rubra.

Tên khoa học: Paeonia liacliflora Pall.

Họ khoa học: Họ Mao Lương (Ranunculaceae).

Cây Xích Thược Và Những Điểu Cần Biết:

Xích thược Radix Paeoniae rubrae là rễ phơi hay sấy khô của 3 loài Thược dược:

Thược dược (Paeonia lactiflora Pall) đã mô tả ở trên. Nhưng là loài Thược dược mọc hoang, củ nhỏ bé hơn dùng chế thành xích thược.

Thảo Thược dược (Paeonia obovata Maxim). Cây này cũng mọc hoang, rễ phát triển thành củ có vỏ màu nâu đỏ. (hình)

Xuyên xích thược (Paeonia veitchii Lynch). Tất cả xích thược đều do cây mọc hoang cung cấp, vào các tháng 3-5 hay các tháng 5-10 đào về, trừ bỏ thân rễ và rễ nhỏ, chia thành từng rễ to nh3 riêng biệt, rửa sạch đất cát; phơi khô là được.

Đặc Điểm Thực Vật:

Xích thược là một loại thực vật sống lâu năm, thân thảo, có chiều cao trung bình dao động từ 50 – 80 cm. Lá kép lông chim, màu xanh, mọc so le. Một lá có thể phân chia thành 9 – 12 phần không đều nhau, hình ngọn giáo, nhọn ở đầu, phía dưới cuống có màu sắc hơi hồng.

Hoa chích thược chỉ mọc đơn độc 1 bông, không tạo chùm. Hoa to, có khoảng 8 cánh, ngửi mùi tương tự như hoa hồng. Mỗi thân cây có thể mọc 1 – 7 hoa. Khi chưa nở hoa thường có màu hồng thịt, sau chuyển dần sang sắc trắng tinh. Bên trong chứa bao phấn màu da cam.

Quả xích thược chứa 3 – 5 lá noãn.

Đặc Điểm Của Dược Liệu:

Dược liệu được sử dụng chính là rễ xích thược. Nó có hình trụ, hơi cong, chiều dài khoảng 5 – 40cm, kích thước đường kính dao động từ 0,5 – 3 cm. Bên ngoài vỏ rễ có màu nâu, hơi nhăn và có các rãnh dọc và rễ con.

Chất rễ cứng, giòn, dùng tay có thể bẻ gãy rất dễ dàng. Bên trong rễ có thể có màu trắng phấn hoặc hồng nhạt. Mặt cắt có vân xuyên tâm, vỏ hẹp, một số rễ còn có khe nứt. Rễ xích thược có hương thơm nhẹ, vị hơi đắng xen lẫn vị chua và chát.

Cây Xích Thược

Thành Phần Hóa Học Của Cây Xích Thược:

Như Thược dược: có tinh bột, tanin, nhựa chất nhầy, chất đường, sắc tố và axit benzoic. Tỷ lệ axit benzoic trong xích thược thấp hơn bạch thược (0,92%).

Bộ Phận Dùng Của Cây Xích Thược:

Dùng rễ cây làm thuốc. Chọn rễ to dài, bên ngoài sắc nâu xám, còn ở bên trong sắc hồng hoặc trắng, chắc, nhiều bột là tốt.

Công Dụng Và Liều Dùng Của Cây Xích Thược:

Như Thược dược, nhưng trong sách cổ người ta cho rằng: bạch thược thì bổ huyết, đỏ thì hành huyết. Vì vậy bạch thược bổ, xích thược tả, bạch thược thu liễm, còn xích thược thì tán (theo Mậu Hy Ung).

Một tác giả khác là Hoàng Cung Tú nói: “Xích thược và bạch thược chủ trị giống nhau, nhưng bạch thược có sức liễm âm, ích huyết, xích thược có năng lực tán tả hành huyết”.

Tác dụng dược lý:

Theo nghiên cứu khoa học xích thược có những tác dụng sau:

Chống co thắt cơ trơn, giảm đau: Khi được thử nghiệm trên súc vật, chiết xuất từ xích thược giúp ức chế, làm giảm hoạt động co thắt cơ trơn tại các bộ phận như ruột, tử cung hay dạ dày.

Kháng khuẩn, chống virus, nấm: Xích thược thể hiện tính kháng khuẩn, kháng virus tốt đối với các tác nhân gây bệnh như virus cúm, herpes, trực khuẩn lỵ, ho gà, tụ cầu, phế cầu…

Kích thích lưu thông tuần hoàn máu, giảm áp lực cho tĩnh mạch cửa, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim bằng cách làm tăng khả năng co giãn của động mạch vành.

Kháng viêm, hạ sốt: Tác dụng này có được là nhờ hoạt chất Paeniflorin trong xích thược.

Một số báo cáo cho thấy xích thược khi sử dụng độc vị có thể kích thích các tế bào ung thư di căn nhanh. Tuy nhiên khi dùng phối hợp cùng các loại thuốc chống ung thư thì lại làm tăng hiệu quả của thuốc. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề này.

Tham Khảo Một Số Cách Dùng Xích Thược:

Trừ ứ giảm đau:

Bài 1: xích thược 20g, hương phụ 12g. Thêm ít muối vào sắc, uống khi còn nóng. Trị băng huyết, khí hư đau bụng.

Bài 2: xích thược 8g, nga truật 8g, xuyên khung 8g, đào nhân 8g, hồng hoa 8g, thổ miết trùng 8g, quy vĩ 12g, nghệ 12g, ô mai 12g. Sắc uống. Trị gãy xương thời kỳ đầu, đau do ứ thương. Dùng phối hợp với phương pháp cố định xương khi đã trở về vị trí cũ.

Bài 3: xích thược 16g – 20g, đào nhân 16g – 20g, đan sâm 8g – 12g, hồng hoa 8g – 12g. Sắc uống. Bệnh nhẹ có thể dùng xích thược, đào nhân là đủ. Trị viêm tuyến tiền liệt, tiểu tiện đau buốt.

Bài 4: xích thược 12g, đào nhân 8g, bồ hoàng 4g, ô tặc cốt 20g, xuyên luyện tử 20g, diên hồ sách 12g. Sắc uống. Trị đau do ứ huyết, loét dạ dày.

Thanh can, sáng mắt: Dùng bài Bột tửu tiễn: xích thược 12g, hán phòng kỷ 12g, phòng phong 12g, kinh giới 12g, đương quy 12g, cúc hoa 12g, cam thảo sống 4g. Sắc với nửa nước nửa rượu. Dùng khi gan nóng mắt đỏ. Trị đau mắt đỏ kéo màng.

Lương huyết tiêu nhọt: Dùng khi nhọt độc sưng đau do huyết nhiệt huyết ứ.

Bài 1: Cao đan sâm: đan sâm 20g, xích thược 16g, bạch chỉ 12g. Tất cả nghiền bột mịn, thêm mỡ lợn, sáp ong vàng luyện thành cao bôi lên chỗ đau. Trị nhọt sưng ở vú.

Bài 2: xích thược 12, liên diệp 16g, kim ngân 12g, liên kiều 12g, đạm trúc diệp 12g, thạch cao 10g. Sắc uống. Trị mụn nhọt mùa hè.

Hoạt huyết điều kinh:

Bài 1: Bột xích thược: xích thược 16g, đan bì 12g, phục linh 16g, bạch chỉ 12g, sài hồ 16g. Tất cả nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 8g, ngày uống 2 lần, thêm gừng tươi và đại táo sắc uống. Trị phụ nữ khí huyết không đều, tắc kinh, sốt.

Bài 2: xích thược, đương quy, huyền hồ, hồng hoa, hương phụ, xuyên khung; mỗi vị 8g. Sắc uống. Trị bế kinh.

Kiêng kỵ: Người đau bụng đi ngoài do cảm hàn và người huyết hư không được dùng. Xích thược phản lê lô.

Lưu ý: Xích thược là cây cùng chi, khác loài với cây Bạch thược dược ((Paeonia lactiflora Pall.): 1 loài trắng và 1 loài đỏ. Về ứng dụng lâm sàng, bạch thược dưỡng huyết ích âm, giảm đau; xích thược thiên về thanh nhiệt lương huyết, tiêu nhọt, phá tích tụ.

Trên đây là những thông tin do Siêu Thị Trà Việt tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “Cây Xích Thược”.

Lưu ý:

  • Thông tin trên www.sieuthitraviet.vn chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Bài viết này nhằm chia sẻ những thông tin về các cây thuốc quý, vị thuốc quý, bài thuốc quý, bài thuốc dân gian, bài thuốc hay và các kiến thức bổ ích về sức khỏe. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là các tư vấn y tế, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Thông tin trên www.sieuthitraviet.vn có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Từ khóa:

Có Thể Bạn Quan Tâm

Có Thể Bạn Quan Tâm

Chat ngay